Thứ Sáu, 4 tháng 10, 2013

Điều trị đái tháo đường bằng vị thuốc Đông y - Theo y học cổ truyền, đái tháo đường thuộc phạm vi chứng “tiêu khát”. Bệnh nguyên cơ bản của chứng tiêu khát là âm hư táo nhiệt, âm hư là bản, táo nhiệt là gốc nên nguyên tắc điều trị chủ yếu là “dưỡng âm sinh tân, thanh nhiệt nhuận táo”. Nhiều bài thuốc, vị thuốc có tác dụng hỗ trợ điều trị giảm đường huyết. Sau đây là một số bài thuốc chữa trị theo từng thể bệnh.

Thể tân thương táo nhiệt:
Triệu chứng chính là phiền khát, hay uống; miệng khô, lưỡi táo; tiểu nhiều; ăn nhiều mau đói, người gầy mòn kèm theo đại tiện táo kết, tứ chi vô lực, bì phu khô ráp. Chất lưỡi đỏ, khô, rêu lưỡi mỏng, vàng hoặc ít rêu; mạch hoạt sác hoặc huyền tế hoặc tế sác. Pháp điều trị: Thanh nhiệt sinh tân.
Bài thuốc: Thạch cao 30g, chích thảo 5g, tri mẫu 10g, ngạnh mễ 20g, sắc uống. Hoặc bài: Ngọc dịch thang: Cát căn 10g, hoàng kỳ 12g, kê nội kim 10g, sơn dược 12g, thiên hoa phấn 12g. Sắc uống ngày 1 thang. Tác dụng: ích khí, sinh tân, trị tiêu khát.
Nếu phiền khát nhiều, gia thiên hoa phấn; táo nhiệt nội đàm, nhiệt độc sinh miệng lưỡi lở loét, gia hoàng liên; đại tiện táo kết, gia đại hoàng.



Thể âm tinh hư tổn:
Triệu chứng chính là tiểu nhiều, nhiều lần, nước tiểu đục như sáp mỡ; miệng khô muốn uống; gầy khô, kèm theo ngũ tâm phiền nhiệt, cốt chưng triều nhiệt, váng đầu, ù tai; đau lưng, mỏi gối; vô lực; di tinh, mất ngủ, đạo hãn; bì phu khô ráp, ngứa. Chất lưỡi đỏ, gầy, khô, rêu lưỡi mỏng, trắng hoặc ít rêu; mạch tế hoặc tế sác. Pháp điều trị: Tư bổ thận âm, ích tinh, dưỡng huyết.
Bài thuốc: Thục địa 12g, sơn thù 8g, trạch tả 12g, phục linh 12g, đan bì 10g, hoài sơn 12g. Sắc uống ngày 1 thang. Tác dụng bổ can thận.
Nếu âm hư hỏa vượng sinh ngũ tâm phiền nhiệt; cốt chưng triều nhiệt; váng đầu, ù tai; đau lưng, mỏi gối; vô lực; di tinh, mất ngủ, đạo hãn gia tri mẫu, hoàng bá. Nếu tiểu nhiều, đục gia ích trí nhân, tang phiêu tiêu, ngũ vị tử. Nếu di tinh gia khiếm thực, kim anh tử. Nếu mất ngủ gia toan táo nhân, dạ giao đằng.
Thể khí âm lưỡng hư:
Triệu chứng chính là miệng khát muốn uống, ăn nhiều chóng đói; tiểu nhiều, nhiều lần; người mệt mỏi vô lực. Kèm theo sắc mặt không nhuận hoặc miệng khô không muốn uống hoặc váng đầu, ngủ hay mê, ngũ tâm phiền nhiệt; hoặc ăn ít, trướng bụng, đại tiện lỏng; hoặc đau lưng mỏi gối, chân tay tê bì; hoặc tự hãn, đạo hãn. Chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi trắng; mạch trầm tế. Pháp điều trị: Ích khí dưỡng âm.
Bài thuốc: Thục địa 12g, sơn thù 8g, trạch tả 12g, phục linh 12g, đan bì 10g, hoài sơn 12g, nhân sâm 8g, mạch môn 12g, ngũ vị 8g. Nếu âm hư hỏa vượng dẫn đến váng đầu, ngủ hay mê, ngũ tâm phiền nhiệt gia tri mẫu, hoàng bá.
Thể âm dương lưỡng hư:
Triệu chứng chính là uống nhiều, tiểu nhiều, nước tiểu đục như sáp; sợ lạnh, tứ chi lạnh, sắc mặt tối, vành tai khô héo. Kèm theo vô lực, tự hãn hoặc ngũ canh tả hoặc thủy thũng, tiểu ít; hoặc liệt dương, xuất tinh sớm, rêu lưỡi trắng khô; mạch tế vô lực. Pháp điều trị: Tư âm ôn dương ích thận.
Bài thuốc: Phụ tử 4g, quế chi 4g, hoài sơn 12g, đan bì 10g, ngưu tất10g, ngũ vị tử 10g, phục linh 12g, sơn thù 8g, thục địa 12g, trạch tả 12g, xa tiền tử 12g. Sắc uống ngày 1 thang. Tác dụng: tư âm, ôn dương, ích thận.
Nếu liệt dương, xuất tinh sớm gia ba kích thiên, nhục dung, dâm dương hoắc, kim anh tử, tang phiêu tiêu, phúc bồn tử.
Thể ứ huyết trở trệ:
Triệu chứng chính là miệng khô, tiểu nhiều, sắc mặt ảm đạm. Kèm theo: chân tay tê bì hay như có gai đâm, kiến bò, càng về đêm càng nặng; bì phu khô ráp, nứt nẻ; môi tím không nhuận. Chất lưỡi tối, có điểm ứ huyết hoặc dưới lưỡi nổi gân xanh, to, ngoằn ngoèo hoặc tím đen, rêu lưỡi mỏng, trắng hoặc ít rêu; mạch huyền hoặc trầm sáp, hoặc kết đại. Pháp điều trị: Hoạt huyết hóa ứ.
Bài thuốc: Đương quy 12g, đào nhân 8g, chỉ xác 6g, sài hồ 10g, cát cánh 12g, ngưu tất 10g, đại hoàng 5g, hồng hoa 8g, xích thược 8g, xuyên khung 12g, cam thảo 4g. Sắc uống ngày 1 thang. Tác dụng: hoạt huyết, hóa ứ, hành khí, chỉ thống.

0 nhận xét :

Đăng nhận xét

Design by Hao Tran -
Hao Tran